Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
Thursday, 21/11/2024 | 16:16

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I MÔN VẬT LÍ LỚP 10 NÂNG CAO NĂM HỌC 2014- 2015

TRƯỜNG THPT THĂNG LONG

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I MÔN VẬT LÍ LỚP 10 NÂNG CAO

NĂM HỌC 2014- 2015

I.    LÍ THUYẾT

1.    Viết các công thức tính vận tốc trung bình, vận tốc tức thời, tốc độ trung bình, tốc độ tức thời, gia tốc trung bình, gia tốc tức thời.

2.    Định nghĩa chuyển động thẳng đều, viết phương trình chuyển động, vẽ đồ thị vận tốc, đồ thị tọa độ của chuyển động thẳng đều.

3.    Định nghĩa chuyển động thẳng biến đổi đều, viết phương trình vận tốc, phương trình chuyển động, viết công thức liên hệ giữa độ dời với vận tốc và gia tốc (công thức độc lập với thời gian); vẽ đồ thị vận tốc của chuyển động thẳng biến đổi đều; phân biệt chuyển động nhanh dần đều và chậm dần đều.

4.    Định nghĩa sự rơi tự do, viết các công thức của chuyển động rơi tự do.

5.    Định nghĩa chuyển động tròn đều, nêu đặc điểm về hướng của vectơ vận tốc và vectơ gia tốc trong chuyển động tròn đều, viết các công thức liên quan đến chuyển động tròn đều.

6.    Viết công thức cộng vận tốc

7.    Phát biểu 3 định luật Newton và nêu định nghĩa quán tính.

8.    Nêu đặc điểm của vectơ lực hấp dẫn, phát biểu định luật vạn vật hấp dẫn

9.    Nêu đặc điểm của vectơ lực đàn hồi lò xo, phát biểu định luật Húc.

10.  Nêu điều kiện xuất hiện và đặc điểm về giá, chiều, độ lớn của lực ma sát nghỉ, ma sát trượt

11. Chuyển động ném xiên, ném ngang: viết phương trình vận tốc, phương trình tọa độ theo mỗi phương Ox và Oy, phương trình quỹ đạo, công thức tính tầm bay cao, tầm bay xa, thời gian bay.

 

II. BÀI TẬP

1.    Một ô tô bắt đầu chuyển động nhanh dần đều từ trạng thái nghỉ, sau 10s thì đạt vận tốc 20m/s. Ô tô chuyển động thẳng đều với vận tốc đó trong 10s thì tài xế hãm phanh, xe đi thêm 10m thì dừng.

       a) Tính gia tốc của ô tô trong mỗi giai đoạn chuyển động

       b) Vẽ đồ thị vận tốc của ô tô

       c) Tìm vận tốc trung bình của ô tô trên cả đoạn đường

2.    Một xe máy chuyển động đều trên đường thẳng với vận tốc 18km/h. Đúng 2,4s sau khi xe máy đi ngang qua một ô tô đang đỗ, ô tô này bắt đầu chuyển động nhanh dần đều đuổi theo xe máy, biết rằng sau khi khởi hành 1,5s thì ô tô đạt vận tốc 9m/s.

       a) Viết phương trình chuyển động của xe máy và ô tô trong cùng một hệ quy chiếu

       b) Xác định thời điểm và vị trí ô tô đuổi kịp xe máy. Tính vận tốc ô tô khi đó.

3.    Trên một đoạn đường dốc dài 1140m, ô tô thứ nhất từ đỉnh dốc với vận tốc 16m/s xuống dốc nhanh dần đều với gia tốc 0,4m/s2. Cùng lúc đó, ô tô thứ hai lên dốc chậm dần đều với vận tốc ban đầu 28m/s nên chỉ lên được 490m thì dừng.

       a) Tính gia tốc ô tô thứ hai

       b) Viết phương trình chuyển động của hai ô tô, chọn gốc tọa độ ở chân dốc, chiều dương đi lên

       c) Xác định thời điểm và vị trí hai ô tô gặp nhau.

       d) Tính khoảng cách hai xe ở thời điểm ô tô thứ hai dừng lại

4.    Viên bi rơi tự do, trong 3 giây cuối rơi được 255m. Tính thời gian rơi, độ cao thả rơi và vận tốc viên bi khi chạm đất. Lấy g = 10m/s2.

5.    Từ vị trí A trên mặt đất, người ta ném vật thứ nhất thẳng đứng lên với vận tốc 5m/s. Cùng lúc đó, tại vị trí B cách mặt đất 20m, người ta thả vật thứ hai rơi tự do. Lấy g = 10m/s2

       a) Viết phương trình chuyển động của mỗi vật, chọn gốc tọa độ tại A, chiều dương hướng lên.

       b) Vật nào chạm đất trước và trước vật kia bao lâu? Tìm vận tốc của mỗi vật khi chạm đất.

       c) Tính quãng đường vật thứ nhất đi được sau khi ném vật 0,7 giây.

6.    Một thuyền rời bến tại A với vận tốc 4m/s so với nước, đi theo hướng AB vuông góc bờ sông. Thuyền cập bờ bên kia tại bến C cách bến B 3m. Tốc độ nước chảy là 1m/s.

       a) Tính bề rộng lòng sông

       b) Nếu muốn thuyền qua sông đúng vị trí B thì phải hướng mũi thuyền theo hướng nào? Tính thời gian qua sông trong trường hợp này.

7.    Từ đỉnh tháp cao 30m so với mặt đất, một vật được ném chếch lên với vận tốc đầu 20m/s hợp với phương ngang góc 300. Lấy g=10m/s2. Hãy xác định:

       a) Tầm bay cao của vật (so với mặt đất)

       b) Thời gian bay

       c) Tầm bay xa của vật

       d) Hướng và độ lớn vận tốc của vật khi chạm đất

8.    Một lò xo treo thẳng đứng, đầu dưới treo vật có khối lượng m1=0,1kg thì lò xo dài l1=22,5cm. Treo thêm vật có khối lượng m2=0,15kg thì lò xo dài l2=26,25cm. Lấy g=10m/s2. Tính độ cứng và chiều dài tự nhiên của lò xo.

9.    Một cái hòm khối lượng 100kg được đẩy trượt trên mặt sàn nằm ngang bởi lực F=300N chếch xuống một góc 300 so với phương ngang, biết hòm chuyển động thẳng đều với vận tốc 10m/s. Cho g=10m/s2

       a) Tính hệ số ma sát trượt giữa vật và sàn

       b) Nếu ngừng tác dụng lực F, tính quãng đường vật có thể trượt thêm.

       c) Với hệ số ma sát như ở câu a, nếu lực F=300N chếch lên 300 so với phương ngang thì gia tốc chuyển động của vật bằng bao nhiêu?

 

10.  Một xe có khối lượng m=100kg chuyển động trên dốc dài l=50m và cao h=10m. Hệ số ma sát giữa xe với mặt đường là 0,02. Lấy g=9,8m/s2.

       a) Nếu xe tắt máy và trôi xuống dốc không vận tốc đầu, tính gia tốc và vận tốc của xe khi đến chân dốc.

       b) Tìm lực kéo của động cơ để xe lên dốc nhanh dần đều với gia tốc 1m/s2

11.  Một vật trượt không vận tốc đầu từ đỉnh mặt phẳng nghiêng dài 10m hợp với mặt phẳng ngang góc 300. Sau khi xuống chân mặt phẳng nghiêng vật tiếp tục chuyển động trên mặt phẳng ngang. Biết hệ số ma sát giữa vật và cả hai mặt phẳng đều là 0,1và g=9,8m/s2. Tính:

       a) Vận tốc của vật ở chân mặt phẳng nghiêng

       b) Thời gian chuyển động và quãng đường vật đi thêm ở mặt phẳng ngang.

 

---------------- Hết ----------------

File đính kèm: Tải về

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT: