Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
26/10/2013 | 20:33 - Lượt xem: 1801

Sức sống bùng cháy từ những ngọn nến cong

Trong cuộc sống hối hả và đầy thực dụng của xã hội mới, có bao giờ bạn khao khát một nơi không tồn tại sự bon chen, tranh giành, không tồn tại sự ích kỉ nhỏ nhen.

Tôi đã từng được tới một nơi như thế. Một thế giới chỉ có những người bạn nắm tay nhau cùng đứng lên trên đôi chân chưa lành, nhìn cuộc sống tươi đẹp bằng đôi mắt chưa một lần được thấy ánh  sáng.

May mắn góp mặt tại hai mùa “Thách thức Công Nghệ Thông Tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” (2012, 2013), tôi đã được trao tặng rất nhiều món quà đặc biệt và hôm nay tôi muốn gửi tặng lại chúng cho các bạn – những kỉ niệm vô giá.

1. Mùa đông ấm áp nơi xứ Hàn.

Tôi đặt chân tới Hàn Quốc vào những ngày đầu đông (2012) với đầy sự lo lắng, bỡ ngỡ cùng thật nhiều háo hức. Ở một đất nước xa lạ, không bạn bè, không người thân, với vốn ngoại ngữ ít ỏi  tôi e rằng mình sẽ lạc  lõng và cô đơn lắm. Nhưng thật tiếc khi chúng chẳng thể có cơ hội tìm đến tôi.

Người bạn đầu tiên tôi gặp trong cuộc thi này là “ngôi sao thủy tinh”  Nguyễn Phương Anh – học sinh lớp 11D3 trường  THPT Việt Đức.

(Nguyễn Phương Anh - mặc áo đỏ)

Ngày đầu tiên nhận thức được về thế giới xung quanh cũng là ngày Phương Anh  nhận thức được rằng cuộc sống của mình sẽ mãi mãi gắn liền với chiếc xe  lăn bởi căn bệnh xương thủy tinh. Nhìn Phương Anh như một cô búp bê yếu ớt cần sự che chở của tất cả mọi người. Nhưng những gì bạn đã làm  trong suốt quãng thời gian ở đây lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Chẳng biết từ bao giờ, cô bé nhỏ nhắn này đã giữ vị trí cầu nối gắn kết những tình bạn xuyên Quốc gia và ngay khi cất tiếng hát đầu tiên trên sân khấu giao lưu, Phương Anh đã khiến đại diện của gần 30 nước có mặt đêm đó không thể quên được cái tên “Việt Nam”.


Những ngày mang chuông đi đánh xứ người – mùa đông lạnh giá ở một Quốc  gia xa xôi, không gia đình, không bạn bè quen cũ nhưng sự đơn độc chưa bao giờ tìm đến mấy đứa nhóc chúng tôi. Có lẽ, nguyên nhân lớn nhất vì chúng tôi luôn có anh – một người vốn xa lạ nay đã trở thành anh trai ân cần, chăm sóc, bảo vệ những đứa em bé nhỏ.


(Nguyễn Văn Chiến – đứng ngoài cùng bên trái)

Điều đầu tiên chúng tôi biết về anh chỉ vẻn vẹn một cái tên Nguyễn Văn Chiến – sinh viên khuyết tật vận động đến từ làng trẻ Hòa Bình. Anh là người có ngoại hình giống người bình thường nhất trong chúng tôi. Hằng ngày anh đẩy xe lăn cho các bạn, dẫn tôi đi trên đường rồi giúp mấy đứa em từ những việc nhỏ nhặt nhất như bê khay thức ăn trong mỗi giờ nghỉ hay sẵn sàng xách đồ cho mọi người… Phải đến đêm cuối cùng, lúc sắp chia tay nhau, anh mới chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đôi chân anh. Lũ trẻ con đã thực sự sững sờ khi anh cởi bỏ đôi dép quen thuộc. Tuổi thơ anh là những ngày rèn luyện và rèn luyện. Lên 8 tuổi, bác sĩ thông báo đôi chân teo tóp đã vĩnh viễn mất khả năng vận động, người ta quyết định cưa đôi chân ấy đi để thay thế vào đó là đôi chân giả giúp anh có được hình dáng như một người bình thường. Đôi chân mới tồn tại chỉ nhằm mục đích ấy bởi không người trưởng thành nào có thể đi bằng đôi chân sắt nặng nề đó huống chi là một cậu bé 8 tuổi. Điều một cậu nhóc làm ngày ấy không phải là ngồi nhìn đôi chân bất đắc dĩ của mình mà hằng ngày anh chăm chỉ tập tạ với suy nghĩ đơn giản: nếu đôi chân đã không thể nâng đỡ cơ thể thì hãy dùng đôi tay chắc khỏe làm thay việc đó. Lần đầu tiên anh giấu các mẹ ở làng trẻ để tập đi: đi một bước ngã một bước, đi hai bước sợi giây buộc chân giả thít cứa vào đầu gối đến chảy máu. Nhưng ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu ta không quyết tâm kiên trì với nó. Ngày hôm nay cậu bé gầy còm thủa nào đã đứng vững trên đôi chân mới, tự tin bước vào cánh cổng đại học và  đi giúp đỡ những người xung quanh.

Ở bên họ, tôi thấy dường như mùa đông xứ Hàn không còn giá buốt.



Lần đầu tiên được vinh danh khi đoạt Huy Chương Đồng phần thi I - sport, mọi cảm xúc vỡ òa trong tôi. Trong vòng tay của những người bạn mới mà vô cùng thân thiết, tôi chợt hiểu mình có thể làm được nhiều hơn những gì mình nghĩ. Giải thưởng ấy cũng là yếu tố quan trọng để tôi tiếp tục được góp mặt tại mùa thi “Thách thức CNTT với thanh niên khuyết tật toàn cầu” (2013) tại Thái Lan.

 2. Thái Lan – những câu chuyện được kể qua đôi bàn tay.

Có mặt tại Thái Lan vào những ngày đầu tháng 10/2013. Lần thứ hai đến với chương trình tôi đã không còn sự bỡ ngỡ và nhiệm vụ  của tôi là giới thiệu nền văn hóa Việt Nam tới bạn bè Quốc tế. Đồng thời, tôi tự đặt cho mình mục tiêu sẽ tạo ra cầu nối để đưa những người bạn mới tham dự lần đầu hòa nhập nhanh chóng với thế giới tuyệt vời này.

Có những đoàn tham dự rất đặc biệt. Đoàn Băng-la-đét chỉ gồm ba thành viên: hai bạn hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng đẩy xe lăn cho một bạn khuyết tật vận động… và còn rất nhiều người bạn đến từ những Quốc gia xa xôi – nơi có thể tôi chưa từng nghe tới. Họ đã vượt qua biết bao trở ngại về địa lý và khó khăn để có được những phần thi vô cùng ấn tượng.


“Không cần biết bạn bao nhiêu tuổi, không cần biết bạn đến từ đâu chúng ta vẫn cùng nắm tay nhau, cùng hát, cùng kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc đời mình, về đất nước xinh đẹp mà chúng ta yêu thương.”


(Người bạn khiếm thị đến từ Thái Lan – thí sinh đoạt giải đặc biệt)

Nắm tay trong khi trò chuyện là hành động chúng tôi vẫn thường làm để cảm nhận được một cách chân thực rằng: những người bạn vẫn ở ngay đây, bên cạnh chúng ta và có những lời nói không cần cất thành tiếng mà chỉ cần lắng nghe bằng tâm hồn thôi là đủ.

Tâm hồn bạn có xao động khi nhìn tấm ảnh này?


(Thí sinh liệt toàn thân nằm trên sàn để dự thi)

Trước bạn tôi thực sự thấy mình trở nên nhỏ bé. Trong khi tất cả thí sinh được ngồi trên những bộ bàn ghế rất đẹp để tham dự chương trình, đã có một người bạn chấp nhận nằm dưới sàn để hoàn thành phần thi của mình. Bạn là một thí sinh Quốc tế, bị liệt toàn thân, chỉ còn đôi tay có chút cảm giác và bạn đã đặt mọi niềm tin, sự nỗ lực vào nó. Chinh phục công nghệ thông tin – cầu nối quan trọng giúp người khuyết tật đến gần với nhau và đến gần với thế giới - chính là mục tiêu bạn đã đặt ra và đang vươn tới.

(Vũ Minh Thương – thí sinh chỉ còn một bàn tay không đủ ngón đã đoạt huy chương vàng)

Phải chăng tôi đã quá vô tâm khi chỉ biết về anh đơn thuần là một thí sinh đến từ Việt Nam, người đi đâu cũng cầm theo chiếc máy ảnh, chạy lăng xăng để ghi lại những kỉ niệm cho mọi người. Đến khi ban tổ chức vinh danh: Vũ Minh Thương - Việt Nam-Huy chương Vàng phần thi E-tool – tôi mới có dịp được nghe thầy cô trong đoàn kể về anh. Chàng trai chỉ có một bàn tay không đủ ngón. Bàn tay ấy đã hoàn thành xuất sắc phần thi tin học của mình và cũng bàn tay ấy bấy lâu đã giúp chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc vô giá.


Biết bao nhiêu kỉ niệm, biết bao nhiêu câu chuyện, cảm xúc không thể kể hết. Tôi sẽ không bao giờ quên hương vị cay nồng của chai Xochu bé xíu mọi người chia nhau trong đêm INCHEON giá rét, vị cay nóng của xiên thịt nướng dưới trời Bangkok mưa rào… và còn rất nhiều rất nhiều đôi bàn tay ấm áp nữa…

Cảm ơn các bạn – “những thiên thần không cánh”! Chỉ với vài ngày ngắn ngủi, các bạn đã giúp tôi tìm lại được chính tôi, hiểu về chính tôi để nhận thức được rằng sức mạnh của cái đẹp sẽ xuất hiện khi ta giúp mọi người tìm ra đôi cánh của chính họ.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi từ những ngày ngắn ngủi ấy. Tôi biết chỉ sống tốt cuộc đời của chính mình thôi là chưa đủ. Hãy học cách truyền sự lạc quan, niềm tin, sức sống cho những người xung quanh ta – lúc ấy cuộc đời ta mới mang trọn ý nghĩa của nó.



(Đoàn thanh niên khuyết tật Việt Nam trong buổi lễ trao giải tại Bangkok - Thái Lan)

Người ta thường ví trẻ em khuyết tật chúng tôi là những ngọn nến cong. Nhưng bạn biết không, điểm giống nhau duy nhất giữa một ngọn nến cong và một ngọn nến thẳng là chúng đều có thể tỏa sáng. Bởi ngọn lửa rực rỡ nhất chỉ có thể bùng cháy từ một tâm hồn đẹp. Khi cái đẹp biến thành sức mạnh, nó sẽ có khả năng truyền lửa nhanh đến không ngờ.


Những người bạn thân, những người bạn mới và cả những người bạn tôi chưa kịp quen – TÔI YÊU CÁC BẠN!!!
Hẹn gặp lại các bạn tại "Thách thức CNTT với thanh niên khuyết tật toàn cầu" (2014) trên quê hương tôi - Việt Nam!


Thực hiện: Lê Hương Giang (12D2) - CLB Phóng viên Thăng Long

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác