Cách ôn thi hiệu quả
Theo thầy Lực, giai đoạn này các học sinh nên dành thêm thời gian tự học và trang bị các phần kiến thức thiếu hụt cho bản thân.
Theo thầy Lực, các em không nên học dồn vào một hai bài Toán cụ thể mà nên rà soát lại toàn bộ kiến thức của chương trình môn học bằng một số cách như sau:
- Hệ thống hóa lại các dạng bài thường gặp qua các đề thi THPT của các năm trước và đặc biệt bám sát đề thi tham khảo năm 2023 Bộ GD-ĐT đã công bố. Các em xem lại các dạng Toán, cấu trúc của đề thi một cách kỹ càng, có thể đếm số lượng câu hỏi trong đề theo từng chương, từng phần để xem tỉ lệ và cấu trúc của đề thi. Các em không nên quá tập trung vào một hai chương và tránh học tủ, học lệch.
- Ghi lại những lưu ý, những lỗi sai mình hay mắc phải trong quá trình ôn luyện và làm các đề thi thử.
- Vẽ sơ đồ hệ thống các công thức, các dạng toán đặc biệt của từng chương, từng phần môn học.
- Trong quá trình ôn luyện, các em nên có sự chú ý về thời gian làm đề để có thể đưa ra các mốc thời gian dự kiến, thời gian mục tiêu chinh phục các mức điểm mong muốn.
Các lỗi sai thí sinh dễ gặp khi làm bài thi:
Sa đà vào câu hỏi khó:
Khi làm bài thi, theo thầy Lực, các học sinh lưu ý tránh sa đà vào 1-2 câu trắc nghiệm nào đó mà quên đi thời gian dành cho các câu hỏi khác đang bị hao dần.
“Hãy bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp câu hỏi khó, mạnh dạn gác câu hỏi đó lại để chinh phục các câu hỏi khác thấy rõ trong khả năng của mình. Các em ghi nhớ luôn dành thời gian rà soát loại tổng thể bài làm của mình từ việc có bỏ sót câu hỏi nào hay tô nhầm đáp án câu nào không...”, thầy Lực chia sẻ.
Thầy Lực nhấn mạnh, luôn tuân thủ việc lựa chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau, theo các mức độ của từng câu hỏi.
Chủ quan, sai ở cả câu dễ:
“Trong đề thi thường có 30 câu kiến thức bám sát nội dung cơ bản, các em cố gắng chinh phục và ghi nhớ cố gắng không để sai sót, nhầm lẫn. Bởi việc sai một câu dễ hay một câu khó đều cùng mất đi số điểm như nhau, nhưng để làm được một câu khó phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức trong quá trình rèn luyện học tập. Các em hãy nhớ rằng sai một câu dễ là đã thấp điểm đi so với rất nhiều bạn và giảm cơ hội của bản thân đi rất nhiều”, thầy Lực nói.
Làm phức tạp hóa bài Toán:
Trong đề thi, có khoảng 10 câu với mức độ kiến thức vận dụng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và qua một hai phép biến đổi dữ kiện đề bài cho để ra được đáp án, các em cần áp dụng linh hoạt các bài Toán đặc trưng.
“Để làm tốt các câu mức điểm 7; 8, các em cần ghi nhớ các dạng đặc trưng trong từng chương, từng phần của môn Toán. Các em không làm phức tạp hóa bài Toán, hãy “quy lạ về quen”, hướng giải quyết bài Toán cần bám sát kiến thức cơ bản”, thầy Lực nói.
Có khoảng 5 câu là các câu hỏi vận dụng đòi hỏi các học sinh có kiến thức chắc chắn và vận dụng linh hoạt trong việc giải các bài Toán khó. Các em phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu ở mức độ này. “Thí sinh cần tận dụng triệt để các giả thiết của bài Toán, hãy ghi nhớ không có dữ kiện nào là thừa trong đề bài, để xem mình đã khai thác được hết các dữ kiện chưa?
Để trả lời cho câu hỏi của bài Toán mình cần những thông tin gì, đặc biệt có thể loại trừ được phương án nào chắc chắn các em nên loại trừ để tăng khả năng lựa chọn đúng đáp án. Các câu hỏi này ở mức độ điểm 8; 9. Mức độ điểm này bắt đầu có sự phân hóa trong đề thi tương đối rõ rệt.
Có khoảng 5 câu ở mức độ vận dụng cao trong đề thi. “Các câu hỏi ở mức độ điểm 9, điểm 10 là tương đối khó, đòi hỏi các học sinh có quá trình tích lũy rèn luyện và va vấp nhiều dạng Toán khó qua các nguồn đề thi, các dạng Toán nâng cao.
Những câu hỏi khó ngoài việc vận dụng linh hoạt kiến thức được học, các em cần có thêm các kỹ năng giải quyết vấn đề của bài Toán như kỹ năng loại trừ phương án sai, kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng vận dụng linh hoạt sáng tạo trong giải bài… Các em cũng cần lưu ý tâm lý áp lực khi giải những câu hỏi này lại ở giai đoạn thời gian làm bài của đề thi giảm dần nên các em cần giữ sự tập trung và tâm lý tốt”, thầy Lực nói.
Như vậy, khi làm bài thi, học sinh nên cố gắng phân loại được các dạng bài Toán khó, tìm ra công thức giải nhanh, khi lựa chọn đáp án luôn nhớ bình tĩnh và cẩn trọng.
Không biết cách phân bổ thời gian làm bài:
Sự phân bổ thời gian trong khi làm bài thi là rất quan trọng. “Các em nên có những quy định về thời gian rõ ràng cho bản thân ở từng mức độ điểm, để không rơi vào tình trạng câu dễ làm vội vàng dễ dẫn đến sai, còn câu khó sa đà vào làm mất thời gian của các câu còn lại.
Câu nào chắc chắn đúng, câu nào còn nghi vấn, câu nào chưa có hướng giải quyết, các em nhớ phân loại hay ghi nhớ ngay trên tờ đề thi để khi xem xét lại tổng thể bài làm dễ dàng tìm kiếm và giải lại".
Cuối giờ mới tô đáp án:
Cũng theo thầy Lực, học sinh nhớ làm đến đâu ghi đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm đến đó, không nên để cuối giờ mới ngồi tô đáp án dễ vội vàng dẫn đến tình trạng tô sai, nhầm hoặc lệch.
Thầy Lực cho hay, kinh nghiệm làm bài thi tốt đến cả trong việc sử dụng tờ giấy nháp thi. “Các em nên nháp gọn cùng nội dung một câu hỏi vào một vị trí theo dòng nhất định. Như vậy, với câu khó chưa giải xong, khi còn thừa thời gian, các em dễ dàng tìm được nội dung mình đã nháp ở trước. Việc nháp bài gọn gàng, khoa học cũng sẽ giúp các em giữ tâm lý bình tĩnh trong khi thi”.
Điều thầy Lực cũng muốn khuyên thí sinh là khi thi xong từng môn, các em không nên so đáp án ngay bởi dễ gây ảnh hưởng tâm lý đến môn thi sau.
“Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, các em cần giữ vững tinh thần cố gắng nỗ lực nhưng không tự tạo áp lực cho bản thân. Tự tin vào bản thân, cẩn trọng trong giải toán, chắc chắn đưa ra lựa chọn sáng suốt là các em đã có nhiều phần trăm cho một bài thi thành công”, thầy Lực nói.