Trường THPT Thăng Long Thành phố Hà Nội
23/09/2013 | 13:35 - Lượt xem: 1475

Thầy và trò THPT Thăng Long cùng trao đổi về HTKHKT Intel Isef 2014

Thầy và trò THPT Thăng Long cùng trao đổi về HTKHKT Intel Isef 2014

 

Chiều thứ 4, 18/9/2013, vào lúc 13 giờ 15 phút, tại phòng hội đồng đã diễn ra chương trình trao đổi của thầy và trò trường THPT Thăng Long về Hội thảo KHKT Intel Isef 2014.

 Tham dự chương trình có thầy Trần Ngọc Năm – phó hiệu trưởng nhà trường đồng thời là người phụ trách các hoạt động về cuộc thi Intel Isef của trường THPT Thăng Long, cô Bùi Thị Bắc – cố vấn Đoàn trường, thầy Ngô Thọ Cường – chuyên gia công nghệ thông tin của trường. Bên cạnh đó là sự có mặt lấy tin trực tiếp của thành viên CLB phóng viên và CLB nhiếp ảnh trường THPT Thăng Long. Không thể thiếu trong chương trình chính là các bạn học sinh – chủ nhân của hơn 20 đề tài đăng kí tham gia thi cấp trường.

 Mở đầu buổi trao đổi, thầy Thọ Cường – giáo viên đã đồng hành cùng học sinh Thăng Long suốt hai kì Intel Isef Việt Nam vừa qua lên giới thiệu vắn tắt về chương trình này.

 Intel Isef là hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế, dưới sự tài trợ chính của tập đoàn Intel. Việt Nam chính thức tham ra chương trình từ năm 2012. Ngay trong mùa đầu tiên, trường THPT Thăng Long là một trong 5 trường THPT không chuyên cùng 4 trường THPT chuyên được Sở GD và ĐT Hà Nội chỉ định tham gia. Trong năm đó chúng ta cử 7 đề tài đi thi. Kết quả: Vòng thành phố: 2 đề tài đoạt giải nhất, 3 đề tài đoạt giải 3 ; Vòng quốc gia: 1 đề tài đoạt giải 3 trung cuộc, 3 đề tài đoạt giải khuyến khích.

 Vào phần chính của buổi trao đổi, thầy Trần Ngọc Năm tuyên dương những bạn nhiều năm liền tham gia nghiên cứu đề tài và đã đạt được những thành tích cao như bạn Từ Minh Ngọc 12D2, Lê Hương Giang 12D2…

 

Tiếp ngay sau đó, các bạn học sinh có mặt tại đây được tìm hiểu về lịch sử phát triển, mục đích hoạt động và hệ thống giải thưởng của Intel Isef…

 

Hội thảo KHKT Intel Isef được tổ chức lần đầu tiên năm 1950 với tên Isef do Hoa Kì tổ chức mang tầm quốc gia. Đến năm 1998, tập đoàn Intel chính thức bảo trợ cho cuộc thi này. Kể từ đó tên của hội thi được đổi thành HT KHKT Intel Isef. Hội thi từ một chương trình mang tính quốc gia đã được nâng lên thành một hội thi mang tầm quốc tế với sự quan tâm và tham dự của rất nhiều bạn học sinh đến từ mọi nơi. Tính đến nay mỗi năm có khoảng 72 nước có đề tài trong vòng quốc tế với tổng số 1500 học sinh góp mặt. Điều đặc biệt của Intel Isef là các nhóm đề tài sẽ được giao lưu và trao đổi trực tiếp với những nhà bác học đã đoạt giải Nô-ben.

 

 Mục đích chính của hội thi là giúp học sinh làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường PT, tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức lý thuyết đã học vào giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn. Tạo cơ hội cho học sinh được chia sẻ các ý tưởng khoa học với bạn bè trong và ngoài nước.

 

Giám đốc quỹ Intel từng nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta còn đánh giá quá thấp khả năng của học sinh trung học. Tôi tin rằng các em có trí tuệ vượt rất xa với những yêu cầu thông thường ở nhà trường. Hãy cùng nhau phát triển trí tuệ và khả năng vô tận của các em! Và chính các em, sau khi rời Isef hãy giữ liên lạc với nhau, tiếp tục giao lưu với nhau, với sự kết hợp sức mạnh của các em sẽ càng nhân lên gấp bội. Chính các em là những người thay đổi thế giới”

 

Bà còn nói: “Những người có ý tưởng thay đổi thế giới là những người điên rồ, nhưng thế giới ngày nay đã có nhiều điều thay đổi cũng nhờ những người điên rồ như thế.”

 

Thứ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cũng từng chia sẻ: “Cuộc thi Intel Isef khác với những cuộc thi Olimpic thông thường. Ở các kì thi Olimpic, học sinh phải độc lập tác chiến và giải những bài toán sẵn có ; ở Intel Isef là giải những bài toán có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng cao ; là cả một quá trình tự xây dựng ý tưởng, sáng tạo, phát triển và hoàn thiện đề tài ; có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội.”

 

Tổng giải thưởng Intel Isef quốc tế lên tới 4 triệu dolar. Trong đó đề tài đoạt giải đặc biệt trung cuộc sẽ nhận được 75000 dolar, đề tài đoạt giải nhất trung cuộc sẽ nhận được 17000 dolar…

 

Sau phần trao đổi của thầy Trần Ngọc Năm, thầy Ngô Thọ Cường đã cho chiếu lên màn hình rất nhiều những thước phim ghi lại quá trình của cuộc thi ở các vòng và hình ảnh về những học sinh Thăng Long ở đó. Nhờ vậy những thành viên mới tham gia lần đầu tiên có thể hiểu một cách cụ thể hơn và cảm nhận được rõ ràng hơn không khí sôi nổi tại Intel Isef.

 

Thầy Trần Ngọc Năm đã phổ biến nội dung và phương hướng sắp tới cho tất cả các nhóm đề tài cũng như tiêu trí đánh giá của ban giám khảo để các bạn sớm có sự chuẩn bị.

 

Phần thú vị và quan trọng nhất chính là sự trao đổi giữa các nhóm đề tài.

 

Bạn Từ Minh Ngọc 12D2 – 3 năm liên tiếp có đề tài thi Intel Isef đã lên chia sẻ những khó khăn, những vấp ngã và kinh nghiệm giải quyết của bạn trong chặng đường vừa qua.

 

Ngọc nói: “Intel Isef không giống như bất kì một cuộc thi học sinh giỏi nào. Sẽ không có một khuôn mẫu và sẽ không ai nhắc nhở bạn phải làm thế này, thế kia. Toàn bộ dựa vào sự sáng tạo và cố gắng của chính mỗi người…”

 

Tiếp lời Từ Minh Ngọc, bạn Lê Hương Giang – đã từng góp mặt ở Intel Isef cấp quốc gia 2012 chia sẻ:

 

“Với kinh nghiệm của mình ở bước khởi đầu, các bạn nên chú ý những điều cơ bản sau đây:

 

Đầu tiên: Các bạn cần tự xác định được rõ ràng mình muốn làm gì. Sau khi đã chọn được đề tài thì cách đặt tên cũng vô cùng quan trọng. Ấn tượng đầu tiên của ban giám khảo với đề tài của các bạn là cái tên. Tên đề tài cần ngắn gọn, dễ hiểu và phải bao quát nội dung của cả đề tài.

Điều thứ 2: Các bạn cần chọn những đề tài độc đáo và những hướng giải quyết mới lạ. Trong Intel Isef, ý tưởng là chìa khóa quyết định thành công.

 

Điều thứ 3: Đề tài của các bạn nên mang tầm quốc tế. Nó không đồng nghĩa với việc các bạn phải nghiên cứu một đề tài vô cùng to tác mà nó có khi chỉ là những vấn đề diễn ra ở ngay xung quanh ta nhưng chưa thực sự được mọi người quan tâm và giải quyết…”

 

Thành viên của hơn 20 đề tài có mặt ở đó đã đặt rất nhiều câu hỏi về nhiều mặt cho hai bạn. Phần trao đổi đã diễn ra rất sôi nổi.

 

Sau buổi trao đổi của thầy và trò THPT Thăng Long, có nhiều thắc mắc đã được giải đáp và kế hoạch cho con đường sắp tới đã được vạch ra rõ ràng.

Hương Giang (12D2) - CLB PV

Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Thăng Long

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): Mã xác nhận:   Thiet ke website pro
+ PHẢN HỒI CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI VIẾT:

Thời khóa biểu

Lịch công tác